Theo dõi huyết áp ngay tại cứu sống tính chính mình

Theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới, dù có tăng huyết áp hay không, ngoài 30 tuổi, chúng ta vẫn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên bởi căn bệnh tim mạch này diễn biến âm thầm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Mỗi năm có 9,4 triệu người tử vong do biến chứng của tăng huyết áp, trong đó 45% là do nhồi máu cơ tim và 51% còn lại là do tai biến mạch máu não. Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách hữu hiệu giúp tầm soát bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng.

Tổng quan về huyết áp

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.
Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm huyết áp tăng lên. Và ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống.

Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy… hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.
Huyết áp được thể hiện bằng 2 chỉ số:

  • Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên), bình thường từ 90 đến 139 mm Hg (đọc là milimét thuỷ ngân).

  • Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới), bình thường từ 60 đến 89 mm Hg.

Khi tim đập, huyết áp sẽ thay đổi từ cực đại (áp lực tâm thu) đến cực tiểu (áp lực tâm trương). Huyết áp sẽ giảm dần khi máu theo động mạch đi xa khỏi tim.

Lợi ích của việc tự theo dõi huyết áp tại nhà

  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp phát hiện bệnh sớm, thuận lợi cho điều trị.

  • Kiểm soát bệnh chặt chẽ đối với bệnh nhân tăng huyết áp. Từ đó, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị và điều chỉnh thuốc hợp lý, hiệu quả.

  • Bệnh nhân có thể tự thực hiện thao tác đo huyết áp tại nhà để biết được theo dõi tình trạng huyết áp của mình. Qua đó, người bệnh có thể thấy được những thay đổi tích cực của bệnh tình thông qua việc tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh.

  • Đo huyết áp tại nhà giúp phân biệt được giữa tăng huyết áp thực và tăng huyết áp do hội chứng “áo choàng trắng” (tình trạng huyết áp tăng khi đo ở các cơ sở y tế và trở về bình thường khi đo ở nhà).

Cách đo huyết áp tại nhà hiệu quả

Ở người trưởng thành, khi chỉ số huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương trên 90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Chỉ số huyết áp có thể dao động và thay đổi tại các thời điểm trong ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một số lưu ý về cách đo huyết áp tại nhà:

  • Thời điểm đo: Để theo dõi huyết áp, bạn nên đo huyết áp đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày khi cơ thể đang trong trạng thái thư giãn nghỉ ngơi, tâm lý thoải mái.

  • Tư thế đo: Tư thế ngồi sao cho băng quấn cánh tay ngang với tim. Không nói hay xem ti vi khi đang đo huyết áp.

  • Tần suất đo: Từ 30 tuổi trở lên, với sức khỏe bình thường, chúng ta nên kiểm tra huyết áp ít nhất 1 tháng 1 lần. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần đo huyết áp hàng ngày. Với những trường hợp đặc biệt cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu đo 2 – 3 lần/ngày hoặc nhiều hơn nữa tùy theo từng thể bệnh.

  • Có thể đo huyết áp nhiều lần trong ngày nhưng chỉ sử dụng cùng một loại máy đo huyết áp.

  • Lựa chọn máy đo huyết áp tại nhà: Người sử dụng nên lựa chọn các loại máy đo huyết áp điện tử thao tác đơn giản, dễ sử dụng của các thương hiệu uy tín đã được chứng nhận lâm sàng về độ chính xác.